Chuẩn bị của Quân Giải phóng Trận_Mậu_Thân_tại_Huế

Huế là một trong ba chiến trường chính và là một trong ba trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy, từ tháng 5-1967, Trung ương Đảng Lao động quyết định tổ chức lại hệ thống lãnh đạo chỉ huy cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường trọng điểm này. Theo chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh uỷ và tỉnh đội giải thể. Các huyện uỷ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Khu uỷ. Về quân sự, trên từng hướng tiến công thành lập đoàn phụ trách: Đoàn 4 phụ trách khu vực Phú Lộc - bắc đèo Hải Vân; Đoàn 5 phụ trách mặt trận thành phố Huế và ba huyện ngoại thành Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang; Đoàn 6 phụ trách hai huyện Phong Điền, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên); Đoàn 7 phụ trách hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Các đoàn chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên. Đoàn 31, chịu sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh mặt trận B5 (Đường 9 - bắc Quảng Trị), phụ trách khu vực từ Đường 9 trở ra đến giới tuyến quân sự tạm thời.

Theo Tổng bí thư Lê Khả Phiêu:

"Huế không phải lớn như Sài Gòn nhưng lại là cố đô nên đánh vào cố đô và chiếm được cố đô sẽ có tiếng vang rất lớn...Huế là địa đầu..Huế có các sở chỉ huy của các sư đoàn 1 của ngụy và các sư đoàn của Mỹ với vanh đai bảo vệ kéo dài từ Cửa Việt lên Lao Bảo"[5]

Nhằm tăng cường sự chỉ đạo, mặt trận trọng điểm Huế được chia thành hai cánh:

- Cánh Bắc phụ trách phần thành phố ở tả ngạn sông Hương và huyện Hương Trà. Đây là hướng chính của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở thành phố Huế với lực lượng gồm: Trung đoàn 6 bộ binh, Tiểu đoàn 816, Trung đoàn 9, Tiểu đoàn đặc công 12, một đại đội trọng liên 12,7mm (6 khẩu), một đại đội ĐKZ-75 (4 khẩu), một đại đội súng cối 82 mm (6 khẩu), một đại đội công binh, một đại đội trinh sát, một đại đội thông tin, một đại đội vận tải, hai đội biệt động thành phố cùng các lực lượng bảo đảm và lực lượng vũ trang huyện Hương Trà. Cánh này có nhiệm vụ tiêu diệt cơ quan đầu não Mỹ - Việt Nam Cộng Hòa, đánh chiếm khu thành nội, mục tiêu chủ yếu là Mang Cá, Tây Lộc, Cột Cờ, sau đó phát triển, chiếm lĩnh toàn bộ khu vực tả ngạn thành phố và huyện Hương Trà, tiến lên tiêu hao, tiêu diệt căn cứ Mỹ ở Đồng Lâm, thiết lập chính quyền cách mạng, đánh quân đối phương phản kích, giữ vững trật tự an ninh.

- Cánh Nam bao gồm phần thành phố ở hữu ngạn sông Hương và hai huyện Hương Thuỷ, Phú Vang. Lực lượng cánh này có hai tiểu đoàn bộ binh 840 và 810 thuộc Đoàn 5, hai tiểu đoàn bộ binh 815 và 818 của Trung đoàn 9, hai tiểu đoàn đặc công 1 và 2, một đại đội súng cối 82 mm (6 khẩu), một đại đội súng máy phòng không 12,7mm, một đại đội ĐKZ-75 mm (6 khẩu), một đại đội trinh sát, một đại đội công binh, một đại đội thông tin cùng các lực lượng biệt động, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tự vệ. Mục tiêu chủ yếu của cánh Nam là các cơ quan hành chính của Việt Nam Cộng Hòa, cơ quan quân sự tỉnh Thừa Thiên, trung đoàn thiết giáp nhà lao, khu tam giác hữu ngạn. Sau khi tiêu diệt các mục tiêu này, cánh Nam từ kiềm chế, bao vây, ngăn chặn tiến lên đánh tê liệt căn cứ Phú Bài, trung đoàn thiết giáp Mỹ, giải phóng toàn bộ vùng nông thôn ngoại thành và hai huyện Hương Thuỷ, Phú Vang, đồng thời đánh phản kích từ ngoài vào thành phố.

Để chiếm được Huế, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã đưa 200 khẩu súng ngắn và chất nổ C4 vào bên trong thành phố. Vũ khí được đưa vào bằng xe lam, bằng các gánh hàng trái cây; còn AK thì dấu dưới những chiếc thuyền hai đáy. Tiến vào Mậu Thân, những con thuyền chở vũ khí vào Huế từ nguồn sông Bồ qua ngã Ba Sình, từ Dương Xuân Hạ xuống, từ Phú Vang lên, hoặc từ chợ Tài Ba vào để kịp thời trang bị cho bên trong.[6]

Ban chỉ huy mặt trận trọng điểm Huế gồm: Lê Minh (Lê Tư Minh) - Phó Bí thư Khu uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế làm Chỉ huy trưởng; Lê Chưởng - Phó Bí thư Khu uỷ, Chính uỷ quân khu làm Chính uỷ; Nam Long - Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ, Phó Tư lệnh quân khu làm Chỉ huy phó; Đặng Kinh - Khu uỷ viên, Phó Tư lệnh quân khu làm Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng.

Các đơn vị tập dượt đánh các mục tiêu ở Huế đều không chọn người địa phương ra, chỉ lấy người ở quê xa tới để họ không biết mục tiêu gì, ở đâu. Mọi người đều phải tập dượt rất công phu, học tập kỹ lưỡng, và tuyệt nhiên không ai có thể biết được rằng sắp "đánh Huế". Mặt khác, quân khu đề nghị Bộ tăng cường cho chiến trường 2 trung đoàn bộ binh, 3.000 quân bổ sung, 2 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 tiểu đoàn xe tăng và 1 tiểu đoàn thông tin và được Bộ chuẩn y. Nhờ vậy, đến trước ngày nổ ra tổng tiến công và nổi dậy, quân khu đã có 4 trung đoàn và 4 tiểu đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn đặc công, 15 đội biệt động thành và một số đơn vị binh chủng.

Tấn công Huế, họ đã đặt riêng ra một bộ tư lệnh chiến dịch chỉ huy. Họ dùng hai trung đoàn bộ binh là Đoàn 5 sát nhập chung với các cán bộ Thành đội Huế gọi là Bộ Chỉ huy 5 hay Bộ Chỉ huy Thành đội Huế do Nguyễn Vạn lãnh đạo và Đoàn 6 do trung tá Nguyễn Trọng Dần chỉ huy. Ngoài ra còn 2 trung đoàn bộ binh khác của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gởi sang làm chi viện là Đoàn 9 (Trung đoàn Cù Chính Lan) và một thành phần của Ðoàn 8.

Do các hoạt động bảo mật của quân Giải phóng làm rất tốt nên cho đến phút chót không một toán quân nào bị đánh vào giữa đội hình, không ai thương vong, không ai bị bắt, trong một thời gian dài, chiến dịch đã đưa về cả ngàn con người, cách trung tâm chỉ huy cách Huế 5 km. Với nỗ lực của các cơ quan kinh tế của khu và hậu cần quân khu, cùng sự đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân, đến cuối tháng 1 năm 1968, mặt trận Thừa Thiên - Huế đã có gần 1.000 tấn gạo để rải rác ở vùng giáp ranh và căn cứ miền núi Thừa Thiên, Quảng Trị, hơn 1.100 tấn để trong dân vùng đồng bằng (Thừa Thiên 700 tấn, Quảng Trị 450 tấn). Riêng mặt trận trọng điểm Huế mới có 130 tấn. Ngoài ra còn có 79 tấn muối, 15 tấn đường, 1,2 tấn sữa, 1,5 tấn bột trứng, 590 kg mì chính, chưa tính 350 tấn gạo, 400 tấn vũ khí Bộ Quốc phòng đã chuẩn y cho Trị - Thiên - Huế (qua Bộ Tư lệnh 559). Số hàng này đến ngày 20-1-1968, Đoàn 559 mới giao tại trạm đầu tiên, cách Huế khoảng 10 ngày vận chuyển bộ.

Lịch chung cho toàn quân Giải phóng về Huế là ngày 30 ăn Tết (đúng kỷ niệm lần thứ 180 ngày Tết Quang Trung đi giải phóng Thăng Long, Mậu Thân 1789).[6]. Giờ G ấn định lúc 2 giờ 30 ngày 31/1/1968 tức rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Mậu_Thân_tại_Huế http://www.historyplace.com/unitedstates/vietnam/i... http://ngothelinh.tripod.com/Hue.html http://www.chss.montclair.edu/english/furr/Vietnam... http://msuweb.montclair.edu/~furrg/porterhue1.html http://msuweb.montclair.edu/~furrg/porterhue2.html http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/231/2310402... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://dantri.com.vn/van-hoa/lat-lai-nhung-cau-chu... http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130126/giai-ma... http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_cont...